Cách làm Email Marketing chuyên nghiệp bằng MailPoet (không cần sử dụng dịch vụ)

Photo of author
Written By Nam Nguyen

Mình là một du mục kỹ thuật số toàn thời gian, mình từng là một mọt sách WordPress và đây là nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm WordPress hiệu quả nhất để bạn phát triển Online Business của mình một cách bền vững.

Email Marketing vẫn luôn là kênh tiếp thị hiệu quả được nhiều doanh nghiệp trực tuyến áp dụng. 

Trên thực tế, bạn có thể bắt đầu với một số dịch vụ Email Marketing miễn phí như Mailchimp, Sendinblue, hoặc Convertkit. Nó khá lý tưởng để bạn xây dựng danh sách đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, chính vì sự miễn phí nên bạn sẽ nhận được rất ít tính năng cần thiết và bị phụ thuộc khá nhiều vào chính sách của họ. Thậm chí không may bạn có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào.

Nam Nguyen

Blogger

Dịch vụ Email Marketing chỉ đủ tốt khi bạn trả phí để sử dụng.

Và bây giờ bạn đang tự hỏi liệu có cách thay thế nào tốt hơn? 

Chà! Chắc chắn bạn sẽ thấy hiếm câu trả lời cho câu hỏi này.

Nhưng nếu bạn đã đến đây, bạn có một món hời lớn. Mình sẽ giới thiệu cho bạn về Mailpoet, một plugin cung cấp giải pháp xây dựng danh sách vô cùng hiệu quả.

Bạn thậm chí có thể kiểm soát mọi thứ trên Dashboard WordPress của mình cùng hàng tá tính năng cao cấp hoàn toàn miễn phí.

Tuyệt chứ?

Trước tiên đi đến hướng dẫn hãy chắc rằng bạn có một Website WordPress và kỹ năng quản trị cơ bản. Nếu bạn vẫn thấy nó lạ lẫm hãy xem cách làm Website WordPress của mình và nhận quyền truy cập vào khóa học WordPress cơ bản.

Các dịch vụ Email Marketing cung cấp bản miễn phí khá chán

Vài năm trước đây, khi mình mới học về Marketing, mình sớm được các chuyên gia nói nhiều về tầm quan trọng của Email. Họ đề xuất mình sử dụng các dịch vụ miễn phí để khởi đầu.

Thời điểm đó Mailchimp là lựa chọn đầu tiên của mình (có lẽ bạn cũng như vậy).

Mình sử dụng nó với mục đích thu thập email và gửi các Email cho người đăng ký về những mẹo phát triển doanh nghiệp WordPress.

Khi mình đạt được khoảng 200 người đăng ký trong gần 2 tháng, tài khoản của mình bị khóa.

Chẳng hiểu lý do tại sao, nhưng khi đến trang chính sách thì nó có cả chục điều khoản cho người dùng miễn phí. 

Mình quyết định từ bỏ và chuyển sang Sendinblue.

SendinBlue khá hào phóng khi cho phép gửi đến 300 email/ngày (9000/tháng) và có cả tự động hóa. Tuy nhiên mình phát hiện dịch vụ này rất khó sử dụng và chưa kể thời gian xử lý trang khá chậm chạp.

Một người đề cao trải nghiệm như mình rất khó chấp nhận được.

Vì vậy trong quá trình sử dụng dịch vụ email marketing miễn phí mình nhận thấy có rất nhiều hạn chế:

  • Bị giới hạn rất nhiều tính năng cần thiết.
  • Nhiều chính sách trong quá trình sử dụng.
  • Bị khóa trong thương hiệu gửi (logo dưới chân trang Email).

Rồi một ngày mình tình cờ phát hiện ra Mailpoet khi đang vọc các công nghệ WordPress.

Mình đã thử và nó giúp mình biến WordPress thành một nền tảng quản lý và gửi email tuyệt vời.

Quan trọng Mailpoet sẽ tặng miễn phí một phiên bản cao cấp giới hạn 1000 người đăng ký với các tính năng cao cấp, bạn có thể gửi đến 50.000 mail/giờ. Thú vị là bạn có thể bỏ logo thương hiệu để biến mọi thứ thành của riêng bạn.

Đó là lý do tại sao mình cho rằng Mailpoet là lựa chọn tốt nhất để khởi khởi động các chiến dịch Email Marketing cho những bạn chưa có nhiều chi phí ban đầu.

MailPoet là gì?

Mailpoet là một plugin cung cấp tính năng quản lý Email Marketing ngay trên giao diện quản trị WordPress. 

Bạn sẽ nhận được các tính năng thú vị như:

  • Thu thập danh sách và gửi bản tin.
  • Thông báo email blog hàng tuần.
  • Email chào mừng (một phần của tự động hóa tiếp thị).
  • Phân đoạn danh sách.
  • Tạo biểu mẫu đăng ký.
  • Email giỏ hàng bị bỏ qua.
  • Báo cáo số liệu chi tiết cho từng chiến dịch.

Đặc biệt Mailpoet cung cấp một giao diện thiết kế kéo thả rất trực quan, điều này vốn chỉ xuất hiện trên những dịch vụ Email Marketing nổi tiếng.

Ngoài ra họ cũng cung cấp một thư viện với nhiều thiết kế Email đẹp mắt và chuyên nghiệp.

Cách sử dụng Mailpoet cho tiếp thị Email trên WordPress

Được rồi, mở máy tính của bạn lên và áp dụng ngay lập tức cho Website của mình.

Cài đặt plugin Mailpoet

Trước tiên bạn hãy đi đến từ viện plugin sau đó tìm và cài đặt Mailpoet. Sau đó hãy kích hoạt nó và bạn sẽ được trả về giao diện quản lý plugin.

plugin-mailpoet

Lúc này trên menu quản trị sẽ có một mục MailPoet.

Bạn hãy nhấp vào đó và chọn mục Premium để nhận miễn phí tính năng cao cấp với 1000 người đăng ký. Đó là một con số không hề nhỏ, cùng phân khúc nếu bạn trả cho Convertkit bạn sẽ mất $29/tháng).

Hãy lần lượt điền thông tin của bạn.

dien-thong-tin-mailpoet-1

Sau đó bạn sẽ được chuyển hướng đến trang đăng ký của Mailpoet.

dien-thong-tin-mailpoet-5

Điền email và mật khẩu của bạn để đăng ký. Đừng quên tick vào mục đồng ý với điều khoản.

Lưu ý bạn nên sử dụng Email theo tên miền để đăng ký vì bạn đỡ mắc công xác thực lần sau. Hơn nữa email dạng này cũng giúp bạn đỡ rơi vào mục spam hơn.

Sau khi nhấn Continue họ sẽ gửi cho bạn một email xác nhận.

Mở mail và nhấn vào link "Confirm your email address".

xac-nhan-mailpoet

Bạn sẽ được chuyển hướng và yêu cầu một số thông tin cần thiết.

sau-xac-nhan-1
gui-thong-tin-sau-xac-nhan

Tiếp đến bạn có thể bổ sung thêm email được gửi còn không thì cứ giữ email mặc định như lúc đăng ký.

Nhấn Skip this step.

bo-qua-them-email

Tiếp tục nhấp Go To My Account.

di-toi-tai-khoan-mailpoet

Bạn sẽ thấy gói hiện tại được sử dụng với các thông tin liên quan. Như trong hình, mình đang nhận được gói cao cấp với giới hạn 1000 subscribers.

copy-key-mailpoet

Hãy để ý cái mục có một dãy ký tự, đó là key kích hoạt Mailpoet Premium trên WordPress. Bạn hãy nhấp vào biểu tượng để sao chép.

Sau đó quay lại Website chọn Mailpoet -> Settings -> Key Activation.

Giờ hãy dán key bạn sao chép được và nhấn Verify.

dan-key-mailpoet

Hệ thống sẽ xác thực và tự động cài đặt plugin MailPoet Premium cho bạn.

Lưu ý rằng lúc này tài khoản của bạn vẫn còn trong trạng thái chờ xác thực thủ công. Hệ thống tự động hóa hay các email chào mừng dùng máy chủ tạm thời chưa hoạt động. Tuy nhiên bạn có thể cấu hình trước hoặc gửi email cho chính mình.

Thường thì vài giờ họ sẽ kích hoạt cho bạn.

Okay, vậy là xong hết các phần kỹ thuật nhàm chán. Đã tới lúc làm việc với các email.

Tùy chỉnh Email xác nhận

Cũng như một số dịch vụ email phổ biến, để đảm bảo chất lượng người tham gia danh sách thì Mailpoet yêu cầu người đăng ký của bạn xác nhận.

Cụ thể sau khi để lại thông tin trong form thì hệ thống sẽ gửi cho người đăng ký của bạn một email chứa liên kết xác nhận để bạn nhấp vào.

(Nếu nhấp họ sẽ không được add vào list email của bạn)

Để làm điều này nhấn vào tab Sign-up Confirmation.

Hãy điền các thông tin vào từng mục tương ứng.

tuy-chinh-email-dang-ky-mailpoet

Trong đó:

  • Email Subject: Tiêu đề của Email
  • Email Content: Việt hóa nội dung của Email. Nên nhớ phần liên kết xác nhận phải nằm trong shortcode [activation_link].
  • Confirm Page: Trang được chuyển hướng sau khi người đăng ký nhấp xác nhận.

Ngoài trang chuyển hướng mặc định thì bạn cũng có thể dùng tính năng tạo page của WordPress làm một trang chào mừng hoặc cung cấp nội dung cần thiết. 

Nếu bạn muốn chuyên nghiệp hơn hãy dùng một Page Builder như Elementor, Divi, Thrive Architect để tạo ra các trang bắt mắt theo ý muốn.

Tạo một danh sách tham gia

Bây giờ đã đến lúc tạo danh sách của bạn hoặc một số nhà tiếp thị gọi nó là chiến dịch.

Chiến dịch cơ bản nhất mà mọi người sử dụng là đăng ký bản tin. Ngoài ra sau này bạn sẽ còn những chiến dịch khác như nhận ebook, đăng ký khóa học,...

Bây giờ hãy chọn mục Mailpoet -> List.

Bạn sẽ sẽ thấy có 2 danh sách mặc định, 

  • Newsletter mailing list: Danh sách đăng ký bản tin.
  • WordPress Users: Những người dùng WordPress của bạn sẽ được tự động thêm vào list này - bạn không thể xóa.
list-mailpoet

Bên cạnh mỗi danh sách bạn sẽ thấy các thông số tương ứng:

  • Description: Mô tả về list
  • Subscribed: Số người dùng đã đăng ký
  • Unconfirm: Số người dùng chưa xác nhận 
  • Unsubscribed: Số người dùng đã hủy đăng ký
  • Inactive: Số người dùng không hoạt động
  • Bounced: Số người dùng bị trả lại, nghĩa là email bạn gửi không có người nhận.
  • Create on: Thời gian người dùng nhảy vào danh sách.

Bạn cũng có thể nhấp vào từng số để xem cụ thể thông tin của họ.

Để tạo một danh sách mới hãy nhấn nút list bên góc trên phải màn hình.

tao-danh-sach-email-mailpoet

Đặt tên cho danh sách và mô tả cho nó.

dat-ten-cho-danh sach

Nhấn Save để lưu lại.

Bây giờ bạn sẽ thấy danh sách mới được tạo, bạn có thể chỉnh sửa (edit) nhân bản (duplicate), xem danh sách xem người đăng ký (view subscriber) hoặc xóa move to Trash.

danh-sach-duoc-tao

Xây dựng một biểu mẫu đăng ký

Thông thường tạo một biểu mẫu đăng ký không hề đơn giản, bạn cần phải sử dụng các form của nền tảng email Marketing (thường là trả phí để nhận được các biểu mẫu đẹp nhúng vào Web).

Nhưng nhìn chung mình thấy nó cũng không được ưng ý lắm.

Tuy nhiên mình khá ngạc nhiên với Mailpoet về mặt này, họ không những cung cấp các form tuyệt đẹp mà hỗ trợ nhiều dạng hiển thị. Điều mà trước giờ mình chỉ nhận được trên một plugin trả phí.

Để tạo một form đăng ký chọn Form -> New Form.

tao-form

Lúc này bạn sẽ thấy một kho Template được dựng sẵn vô cùng bắt mắt với nhiều loại hiển thị:

chon-form-thu-thap-email
  • Pop-up: cửa sổ bật lên.
  • Slide-in: Form sẽ hiển thị bên góc màn hình.
  • Fixed bar: Form sẽ dính ở phần đầu trang hoặc cuối trang.
  • Below Page: Hiển thị dưới trang (thường là sau nội dung bài viết).
  • Other (widget): Hiển thị trong tiện ích Widget.

Ví dụ mình sẽ chọn một form dạng Pop-up.

Bạn được chuyển hướng đến một trang thiết kế, nó được dựng trên trình soạn thảo Gutenberg.

Nếu bạn chưa quen với các sử dụng nó hãy tham khảo bài viết cách sử dụng Gutenberg cho người mới của mình.

Khi đã quen với Gutenberg bạn có thể nhấp vào các khu vực văn bản, hình ảnh, màu sắc để thay đổi một cách vô cùng dễ dàng.

tuy-chinh-form-mailpoet

Sau khi tùy chỉnh xong hãy nhấn vào tab form để thiết lập chung.

cau-hinh-form

(1) Đầu tiên bạn có thể thay đổi tên form.

(2) Chắc chắn bạn hãy gạt cái nút Display the form để nó hoạt động.

(3) Tiếp đến chọn danh sách bạn muốn kết nối với form.

(4) After submit: Tùy biến thông điệp sau khi gửi hoặc chọn chuyển hướng đến một trang cụ thể.

Bây giờ hãy nhấn Preview (5) để xem trước form của bạn hoạt động.

Nó tuyệt đẹp, phải không? 😍

Lúc này bạn chú ý các tùy chọn bên trái.

hien-thi-form-mailpoet

Form width: Kích thước form tùy chỉnh, bạn có thể để mặc định hoặc kéo thả

Những tùy chọn bắt đầu với Display on...: Bạn nên tick vào các mục Display on all page/Post/Product để hiển thị trên mọi trang nội dung (áp dụng với những bạn mới chưa rành về kiểm soát hiển thị).

Hoặc bạn có thể kiểm soát trên từng bài bằng cách chọn vào những ô trống.

Show animation on display: Hiệu ứng hiển thị form.

Thời gian trì hoãn hiển thị form: Nên chọn trong khoảng từ 15-30.

Display on exit-intent: Tick vào để nắm bắt ý định thoát của người dùng. Khi họ rê chuột vào tab trình duyệt form sẽ bật lên.

Cuối cùng nhấn nút X bên phải màn hình để đóng xem trước và Save lại những cài đặt của bạn.

Bạn có thể đi ra bài viết kiểm tra kết quả.

ket-qua-form

Trong trường hợp bạn muốn tùy chỉnh lại form có thể nhấp vào mục form để thấy danh sách đang có. Hoặc có thể yêu cầu form ngừng hoạt động bằng cách bằng cách gạt nhanh công tắc ở cột status.

tat-form-mailpoet

Tạo một Email 

Đây là phần quan trọng nhất của bài viết này vì sắp tới chắc chắn bạn sẽ làm việc nhiều với nó. Cụ thể khu vực này cho phép bạn soạn thảo nội dung email sau đó gửi hàng loạt cho người dùng đã đăng ký.

Trước hết chọn Mailpoet -> emails.

Sau đó bạn sẽ thấy 3 tùy chọn gửi mail:

  • Newsletter: Bản tin thông thường
  • Welcome Email: Email chào mừng tự động theo một thời gian thiết lập.
  • Latest Post Notifications: Email thông báo bài viết Blog theo thời gian cụ thể.

Bây giờ mình sẽ hướng dẫn bạn tạo một bản tin cơ bản trước.

Bạn chỉ cần nhấp vào nút Create.

create-ban-tin

Bây giờ sẽ có nhiều mẫu email rất đẹp, bạn chỉ cần chọn một cái phù hợp và nhấn Select.

chom-email-template

Bây giờ bạn đang trên giao diện thiết kế.

Trước mắt hãy điền 2 thông tin cần thiết.

thiet-ke-email
  • Subject: Tiêu đề của Email 
  • Preview test: Văn bản xem trước trên hộp thư email.

Được rồi bây giờ hãy viết nội dung cho email của bạn, chỉ cần nhấp vào và chỉnh sửa hoặc bạn cũng có thể kéo thả các modules như hình ảnh, nút, khoảng cách, header,...vào nội dung.

Sau khi thiết kế xong Email bạn có thể nhấn xem trước ở góc trên màn hình.

xem-truoc-luu-email

Tiếp đó hãy nhấn next để sang bước cuối cùng.

Trong mục list bạn nhấp vào mục xổ xuống và chọn danh sách Email muốn gửi, bạn cũng có thể chọn nhiều danh sách.

thiet-lap-gui-email
  • Sender: Điền tên và địa chỉ Email người gửi, nên là email theo tên miền.
  • Reply to: Tên và email bạn muốn nhận trả lời từ người dùng.
  • Schedule it: Lên lịch gửi Email sau một khoảng thời gian cụ thể.
  • Google Analytics Campaign: Thiết lập theo dõi email qua Google Analytics.
  • Save as draft and close: Lưu lại email dưới dạng bản nháp và đóng lại.

Cuối cùng nhấn Send để gửi Email của bạn.

Lưu ý là trong trường hợp MailPoet chưa active tài khoản thì bạn sẽ không gửi được. Chờ họ kích hoạt thì nút send sẽ sáng lên cho bạn nhấp.

Tạo một Email chào mừng

Có thể nói tính năng này khá đắt giá mà Mailpoet trang bị, vì với một số dịch vụ Email Marketing bạn sẽ phải bỏ ra hàng chục $ mỗi tháng để sử dụng.

Hiểu một cách đơn giản, email chào mừng là một Email tự động gửi sau một thời gian nhất định khi người đăng ký được thêm vào danh sách.

Ví dụ như sau khi người đăng ký xác nhận, ngay lập tức họ sẽ nhận được Email chào mừng, 1 ngày sau họ nhận được email lộ trình đầu tiên và tiếp tục với các lộ trình ở ngày 2, ngày 3.

Điều này giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian so với việc phải viết từng Email cho họ.

Hơn nữa tính năng này cũng được coi như tự động hóa vì bạn có thể tạo thành một chuỗi Email trong nhiều ngày cho người dùng.

Để tạo một Email chào mừng hãy nhấp vào Welcome Email.

welcome-email

Giờ thì hãy kích hoạt các điều kiện email được gửi.

welcome-email-1

Ô đầu tiên bạn hãy để mặc định: Nó có nghĩa là kích hoạt khi người dùng được thêm vào danh sách.

Ô tiếp theo chọn danh sách áp dụng.

Ô cuối cùng chọn thời điểm email được gửi từ lúc người dùng được thêm vào list, với:

  • Immediately: Gửi ngay
  • Hour(s) later: Số giờ chỉ định
  • Day(s): Sau số ngày chỉ định
  • Week(s): Sau số tuần chỉ định

Ví dụ như trong hình có nghĩa là khi người đăng ký vào danh sách "đăng ký bản tin" mình sẽ gửi một email chào mừng sau 2 giờ.

cau-hinh-gui-tu-dong

Tiếp tục bạn hãy nhấn Next.

Như ở phần tạo bản tin, bạn chỉ cần chọn mẫu, chỉnh sửa.

Phần cấu hình gửi tự động cũng tương tự.

Cứ như vậy bạn có thể tạo ra một bản tin chào mừng sau 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày để phân phối các nội dung theo lộ trình cho họ. Và bạn sẽ có được một chuỗi tự động hóa hoàn chỉnh một cách đơn giản.

Email Thông báo bài viết Blog

Một trong những tính năng thú vị mình thấy ở Mailpoet là họ cho phép tạo ra email thông báo bài viết Blog nhanh chóng.

Chọn New Email -> Latest Post Notifications.

email-ban-tin-moi-nhat

Tiếp đó chọn thời gian gửi thường xuyên.

Ví dụ bạn có thể thiết lập thông báo gửi các bài viết mới nhất trong một giờ cụ thể vào thứ 2 hàng tuần.

Mình khuyên bạn tốt nhất đừng gửi theo ngày, nên gửi khoảng một ngày duy nhất mỗi tuần (thường là sáng thứ 2 hoặc tối thứ 7).

Nhấn Next để đến bước tiếp theo.

email-ban-tin-blog-1

Bây giờ bạn có thể thiết kế và gửi bản tin như thông thường. (Mình sẽ không nói thêm cho mất thời gian).

cau-hinh-gui-ban-tin-blog

Quản lý Email

Sau này, với mỗi Email được gửi đến người dùng bạn có thể xem các thông số báo cáo như tỷ lệ gửi, tỉ lệ mở, nhấp,... Từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp để tối ưu thông điệp của bạn.

Bạn cần có đủ số người đăng ký và thời gian để nghiên cứu sâu hơn về khía cạnh này.

Gửi email với Woocommerce

Ngoài các dạng email trên, Mailpoet cũng tích hợp với Woocommerce nhằm phục vụ việc chăm sóc cũng như cải thiện doanh số bán hàng.

Bao gồm các tính năng chào mừng, thông báo giỏ hàng bị bỏ rơi, thông báo đã giao hàng,...

Nên nhớ rằng các tính năng này chỉ hoạt động khi bạn đang sử dụng một Website WordPress và plugin Woocommerce đã được kích hoạt.

Nếu bạn muốn cải thiện doanh thu Woocommerce với Email thì mình tin Mailpoet là một lựa chọn giá rẻ tuyệt vời nhất lúc này. Hơn nữa do được chạy trên nền WordPress nên nó tích hợp cũng liền mạch hơn thay vì một nền tảng CRM bên ngoài.

Bạn có thể vọc thêm tính năng như các bước ở trên, mình nghĩ nó không thể làm khó được bạn. 😉

Quản lý người đăng ký

Cuối cùng trong các bước sử dụng Mailpoet là bạn cần biết cách quản lý những người dùng đã đăng ký vào danh sách.

Bạn có thể truy cập Mailpoet -> Subscribers.

quan-ly-nguoi-dang-ky

Như phần đầu mình có nói, tại đây bạn có thể quản lý thông tin của người đăng ký như tên, Email, ngày đăng ký, tình trạng hiện tại,...

Hoặc bạn cũng có thể add theo cách thủ công.

add-new-user-mailpoet

Hoặc bạn cũng có thể nhập bằng email đã có trước đó dưới nhiều hình thức khác nhau.

import-mailpoet

Ngoài ra, trong trường hợp một ngày bạn muốn chuyển dữ liệu sang một dịch vụ Email Marketing khác thì có thể xuất danh sách dưới định dạng xls hoặc csv.

export-mailpoet

Mailpoet với dịch vụ Email Marketing chuyên dụng cái nào tốt hơn?

Được rồi, bạn vừa sử dụng Mailpoet để thiết lập một dịch vụ gửi email chất lượng ngay trên WordPress.

Tuy nhiên có một vấn đề chúng ta phải làm rõ.

Cụ thể với những gì bạn đã làm ở trên có nghĩa là bạn nhận được món hời từ kinh nghiệm của mình (thực tế có vẻ như chưa từng có nhiều Blogger đề cập).

Và đáng ra bạn phải trả cả chục $/tháng để nhận được tính năng tương tự.

Mình nghĩ giới hạn 1000 subscribers là một mẹo để bạn có thể tiết kiệm chi phí cho tiếp thị email ở thời điểm đầu.

Nhưng mình chắc chắn, Mailpoet không đảm bảo các tính năng nâng cao như những dịch vụ Email Marketing chuyên dụng. Ví dụ như phân khúc với thẻ tag, tự động hóa với các điều kiện nâng cao,...

Vì vậy khi hết giới hạn hoặc muốn nhiều tính năng hơn thì mình nghĩ bạn đừng nên nâng cấp.

Thay vào đó hãy nghiêm túc đầu tư cho một dịch vụ Email Marketing, mặc dù mình phải thừa nhận bạn phải trả tiền mỗi tháng thậm chí khá nhiều. Nhưng bù lại họ cung cấp chất lượng tốt hơn, nhiều tính năng chuyên dụng cho tiếp thị Email hơn. 

Hơn nữa do là một plugin nên Mailpoet phụ thuộc rất nhiều vào máy chủ cũng như mã nguồn của bạn. Chắc chắn nó cũng phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tải trang và đối mặt với nhiều nguy cơ bảo mật hơn.

Vì vậy hãy xem Mailpoet như một phần thưởng khởi đầu cho kế hoạch làm Email Marketing của bạn.

Lời kết

Mình hy vọng qua hướng dẫn này bạn đã biết cách sử dụng Mailpoet để phục vụ nhu cầu làm Email Marketing khi mới bắt đầu.

Có thể nói đây là một bí kíp tốt nhất với những bạn vừa tham gia vào thế giới tiếp thị trực tuyến.

Hãy tận dụng nó xây dựng danh sách bằng cách thu hút họ với các biểu mẫu và gửi các bản tin có thông điệp chất lượng. Đừng quên sử dụng tự động hóa để chăm sóc khách hàng & tiết kiệm thời gian của bạn.

Và như chúng ta đã từng đề cập.

Khi bạn đạt đến ngưỡng 1000 subscribers thì đừng nên nâng cấp Mailpoet.

Thay vào đó hãy trả tiền cho các dịch vụ Email Marketing trả phí, bạn sẽ nhận được những tính năng chuyên sâu hơn và thậm chí là cả một CRM.

Okay, bây giờ tới lượt bạn.

Cho mình biết cảm nghĩ của bạn khi sử dụng Mailpoet (hoặc câu hỏi liên quan) bằng cách để lại trong comment bên dưới. Chắc chắn chúng ta sẽ cần trao đổi nhiều hơn về nó.

Đôi chút về Nam Nguyen

Mình là một cựu quân nhân Hải Quân đã xuất ngũ, Blog này là một trong những doanh nghiệp trực tuyến của mình. Nơi mình chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực nhất về WordPress có thể áp dụng để xây dựng và phát triển Online Business của bạn một cách bền vững. Bạn có thể kết nối với mình trên Facebook, Twitter, Linkedin.

4 thoughts on “Cách làm Email Marketing chuyên nghiệp bằng MailPoet (không cần sử dụng dịch vụ)”

  1. hi, cho mình hỏi, mình tạo file ngôn ngữ tiếng việt mailpoet-vi_VN.mo vào thư mục lang của mailpoet mà plugin không đọc được tiếng việt, bạn biết cách làm sao mailpoet nhận tiếng việt không a? chỉ giúp mình với

    Reply
  2. Cảm ơn bạn vì bài viết rất rõ ràng. Rất dễ thực hiện theo. Nhưng bạn cho mình hỏi. Mình đã setup đầy đủ form – email xác nhận mà sao sau khi điền form không gửi mail xác nhận về nhỉ?

    Reply

Leave a Comment